Một trong những cuốn sách văn học viết cho tuổi thơ hay nhất của tác giả Nguyễn Nhật Ánh sẽ được chuyển thể thành phim và ra rạp trong tháng 12 này có làm bạn tò mò. Trước khi được mãn nhãn với các cảnh quay, nhân vật sẽ được đạo diễn Victor Vũ xây dựng thành phim, chúng ta hãy xem nội dung sách “Mắt Biếc” nhé.
Có những người sẽ xuất hiện trong cuộc đời bạn, khiến bạn yêu ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Bạn có thể yêu họ vì dáng hình dễ thương, từ cử chỉ dịu dàng, từ hàng tóc mai yêu kiều, hoặc là vì …. đôi mắt. Trong câu chuyện “Mắt biếc” dưới đây, Ngạn cũng yêu, nhưng lớn hơn yêu là chữ thương vô bờ bến, tình yêu dành cho Hà Lan, cho “Mắt biếc” cả đời luôn khắc khoải trong tâm trí của cậu, chúng ta cùng đón nhận câu chuyện của họ nhé.
Ngạn là một cậu bé tốt bụng, vô tư và hồn nhiên sống ở làng Đo Đo cùng ba mẹ. Như bao cậu con trai khi học lớp 4 khác, Ngạn cũng nghịch như giặc và cũng hay mải chơi, đôi khi quên học bài và cậu cũng hay bị bố cho ăn “roi mây” để nhắc nhở cậu không được lười học. May mắn thay, bà nội cậu lại thương cậu hết mực và thường hay bảo vệ mỗi khi cậu bị ba đánh đòn. Cậu thường hay núp sau lưng nội và sau khi ba đi, cậu hay làm nũng để nội xoa lưng cho như bất cứ cậu bé nào khác chạc tuổi.
Lớn lên một chút, Ngạn có thêm bạn là hai người chị gái con bác. Một là chị Nhường hơn Ngạn 4 tuổi, đầu ghẻ chốc nên khi nào cũng cạo trọc. Còn một người nữa là Chị Quyên bằng tuổi Ngạn, “da đen nhẻm, quanh năm chỉ vận mỗi cái quần cộc, không bao giờ chịu mặc áo, mũi luôn luôn thò lò.” Người thứ ba là cô Thịnh, “con út của bà tôi. Cô Thịnh bằng tuổi với chị Nhường. Khi bác tôi sinh con gái đầu lòng thì bà tôi sinh con gái út. Đầu cô Thịnh cũng cạo trọc như đầu chị Nhường.”
Sau những lần nghịch dại của Ngạn là bị ba cho ăn đòn lằn mông. Làng Đo Đo có một cái chợ gọi là Chợ Đo Đo, người làng hay có câu vè về chợ Đo Đo “chén Đo Đo là chó đen đen”. Đến tận khi lớn Ngạn vẫn không hiểu câu vè, chợ Đo Đo chỉ họp về tối, ban ngày vắng hoe. Sau mỗi trận đòn, Ngạn thường ra đứng sau hè và nhìn xuống chợ, cô Thịnh lại mang chai dầu ra, hỏi Ngạn bị ba đánh có đau không và bôi dầu cho Ngạn, kì lạ thay cậu hết đau ngay. Sau đó cô Thịnh lại cùng Ngạn đi xuống chợ, đi qua những hàng cá biển, đi qua những sạp hàng và cuối cùng đi xem xiếc…
Trường tiểu học của Ngạn chỉ có bốn lớp, trẻ con trong làng đêu qua học lớp vỡ lòng của thầy Phu. Thầy nổi tiếng là người nghiêm khắc nhưng cũng nổi tiếng vì thầy dạy rất giỏi. Thầy có hai người con là chị Hạnh và thằng Hòa – một đứa trẻ ngỗ nghịch, ngang ngạnh. Bọn trẻ thường xuyên bị bắt nạt, chúng thừa sức vật thằng Hòa ra nhưng do nó là con của thầy Phu nên lũ trẻ cũng vì nể vài phần mà không dám làm gì nó.
Trong những ngày gian khổ đó, Ngạn đã quen biết “Mắt Biếc” Hà Lan – người bạn gái đầu tiên trong cuộc đời của cậu.
Hà Lan
“Hà Lan là một cô bé dễ thương và đặc biệt duyên dáng. Nét duyên dáng của Hà Lan hoàn toàn bẩm sinh, nó không hề ý thức về những cử chỉ mềm mại và kiểu cách của mình. Hà Lan thường đưa tay vuốt tóc một cách đặc biệt, nó lắc đầu cho tóc hất qua vai cũng đặc biêt không kém và những cú liếc xéo của nó bao giờ cũng khiến tôi trố mắt nhìn.
Nhưng sức mạnh chủ yếu của Hà Lan nằm ở đôi mắt. Đôi mắt có hàng mi dài, lúc nào cũng mở to, hồn nhiên và ngơ ngác. Đôi mắt đó lúc bấy giờ đã khiến tôi buộc lòng đổi chỗ với thằng Ngọc và sau này cũng đôi mắt đó làm tôi khổ ghê gớm. Hồi nhỏ, tôi thích nhìn vào đôi mắt của Hà Lan, soi mình trong đó, và vẩn vơ so sánh chúng với những viên bi ve trong suốt, những viên bi “quý tộc”chỉ có bọn học trò tiểu học mới dám chơi… Lớn lên, đoi mắt của Hà Lan lại gợi tôi nghĩ đến bầu trời và dòng sông, đến những giấc mơ dịu dàng của tình yêu và khi đó tôi không còn đủ can đảm để nhìn lâu vào vào đôi mắt đó như ngày xưa khờ dại.”
Cho dù Hà Lan đôi lúc rất bướng bỉnh, nhiều khi sự bướng bỉnh vô lí của Hà Lan khiến Ngạn giận phát khóc nhưng cậu bé vẫn thích và không thể giận cô bé quá 1 tuần, và sau đó lại buồn bã, nhớ nhung, dường như số cậu đã định là “khổ vì phụ nữ. Lớn lên, tình trạng đó càng tồi tệ hơn.”
Có lần, Hà Lan bị thằng Hòa giật dây thun và bị dẫm vào chân tím bầm. Ngạn đã đi “đòi công lý” cho Hà Lan, Ngạn “không nói không rằng tống một quả vào bụng ….. tôi nghiến răng đá vào đùi nó những cú đau điếng trước những cặp mắt hả hê thầm lặng của những đứa đứng xem.”
Sau đó, Ngạn đã bị thầy Phu phạt nhưng không thèm năn nỉ thầy Phu, xin lỗi thằng Hòa. Bản năng bảo vệ của mỗi người con trai khi người con gái mình yêu bị tổn thương có thể nói đã sớm hình thành trong Ngạn, khiến Ngạn muốn chở che, bảo vệ và đánh kẻ nào dám làm “Mắt Biếc ” của cậu tổn thương.
Rồi, Ngạn còn thấy vui khi Hà Lan vui, Ngạn rất sợ những giọt nước mắt. Ngạn muốn Hà Lan vui vẻ suốt ngày Xuất phát từ sự mong mỏi đó, cậu không bao giờ từ chối cô bé điều gì. Trường có 1 cái trống, trống được đặt giữa lớp 4 và lớp 5, đứa trẻ nào cũng ham mê được đánh trống. Nhưng chỉ học trò lớp 5 mới được thầy hiệu trưởng giao nhiệm vụ đánh trống. Gần hết giờ ra chơi, Ngạn rủ Hà Lan ra ngoài và năn nỉ anh đánh trống cho đánh, thường là bị từ chối song vì cầu xinh quá khẩn khoản nên thỉnh thoảng 2 đứa cũng được thử đánh trống. Trống có 3 hồi đánh, thường thì Ngạn đánh trước 2 tiếng, Hạ Lan đánh sau, tuy nhiên tay Hà Lan yếu nên Ngạn đề nghị được cầm giúp để Hà Lan hoàn thành phần việc của mình.
Sau đó, Ngạn đành giành giật với những tên lớp khác để tranh suất đánh trống, có lúc bị 3, 4 tên du cho chảy máu mũi song Ngạn vẫn không bỏ cuộc, Hà Lan liền nói không muốn đánh trống nữa. Cô bé đi lấy lá để cầm máu cho Ngạn.
Câu chuyện này làm tôi nhớ đến câu nói : “Anh hùng không qua ải mỹ nhân” ý nói dù anh hùng có bị thương cũng không thể nào thoát khỏi sự si mê mỹ nhân, trong trường hợp này cũng tương tự như vậy, Ngạn thà bị đánh nhưng vẫn muốn dành niềm vui cho Hà Lan.
Lên lớp 6, cả Ngạn và Hà Lan ra trường huyện học, Ngạn ở nhà bà Năm Tự, Hà Lan ở nhà chú, hai đứa phải ngồi tách bàn riêng vì nam ngồi một dãy, nữ ngồi một dãy khác nhau. Hà Lan mặc áo dài, Ngạn mặc áo trắng quần tây theo đúng quy định của trường. Chỉ có dịp cuối tuần là hai đứa gặp nhau, đến cuối tuần , ba Ngạn đón cả Hà Lan lẫn Ngạn về. Cảnh ngồi trên xe được miêu tả ngộ nghĩnh như sau:
” Tôi ngồi nhấp nhổm như con cóc, chân đạp vào sườn xe, tay bám chặt ghi- đông, lòng cứ lo nơm nớp. Tôi sợ bị té dọc đường. Té khi xe đang chạy, chắc chắn không chỉ u đầu và dập mũi. Mà tôi sẽ nằm quay lơ ra đất, chết thẳng cẳng. Nhẹ nhất cũng què tay hoặc trẹo cổ, Hà Lan sẽ nghỉ chơi với tôi. Nghĩ vậy, tôi gồng mình nắm khư khư cái ghi – đông., tay mỏi nhừ. Tôi cứ nắm như thế, mãi đến tận rừng Sim.”
Đến rừng Sim, Ngạn hái trái trâm cho Hà Lan ăn, khi lè lưỡi ra, “lưỡi nó hệt như lá chuối nước.” Ba Ngạn vội vàng đèo cả 2 đứa về nhà để Hạ Lan súc miệng. Bà Ngạn có khen Hạ Lan dễ thương. Ngạn phụ họa theo :
‘” – Đôi mắt nó giống hệt đôi mắt ba nó, bà ạ!
Bà gật gù và nói giọng xa vắng:
– Nhưng dù sao đời nó sẽ khổ”
Câu nói đó Ngạn không giải thích và cắt nghĩa được nhưng đó là lần duy nhất hai bà cháu nói chuyện với nhau như những “người bạn lớn”.
Bẵng đi đến năm lớp 8, bà của Ngạn mất, đó là một trong những mất mát bởi vì bà không chỉ là một người bà thương yêu cháu mà còn là người để Ngạn tâm sự tất cả mọi chuyện như một người bạn. Và điều càn buồn hơn là bỗng dưng Hạ Lan xinh đẹp và lớn hẳn lên khiến Ngạn cảm thấy trở nên hèn mọn và không dám đến gần. Tuy nhiên sau đó Ngạn cũng đã cao lớn và bắt đầu vỡ giọng.
Năm lớp 9 là một năm tuyệt vời khi mà trái tim Ngạn như “nở một nụ hồng” và cậu lúc nào cũng như người trên mây. Cậu sắm một cuốn sổ tay và chép thơ Đinh Hùng:
” Có những buổi ta nhìn em kinh ngạc
Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly
Ôi mắt xa khơi, ôi mắt dị kỳ
Ta trông đó thấy trời ta mơ ước
Ta thấy bóng một vừng đông thuở trước
Cả con đường sao mọc lúc ta đi
Cả chiều sương mây phủ lối ta về
Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ”
Rồi đến thơ Xuân Diệu
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.”
Không những thế Ngạn còn sắm một cây đàn nghêu ngao hát để diễn tả nỗi nhớ của cậu đến Hà Lan. Ở giai đoạn dần trưởng thành, bỗng nhiên ở các bạn nữ lớn hơn hẳn các bạn nam, ra dang thiếu nữ, các bạn nam xao xuyến trước sự thay đổi đó và còn biết cả xấu hổ nhưng cũng xen nỗi nhớ nhung. Đó là yếu tố tâm lý rất bình thường ở tuổi thanh thiếu niên, tình yêu đầu đời, chúng ta biết yêu tự bao giờ cũng không biết, không thể lí giải nổi, đơn giản chúng ta yêu vì chúng ta yêu, vậy thôi.
Rồi Ngạn đàn cho Hà Lan nghe khi được nàng yêu cầu, nàng nói Ngạn đàn hay hát cũng hay rồi đòi nghe thật nhiều bản nhạc nữa.
![]() |
Mắt Biếc |
Thấm thoắt đã đến lúc lên lớp 10, Ngạn phải xa Hà Lan vì cô bé phải lên thành phố học, Ngạn buồn lặng lẽ gảy bài hát về mùa hè:
“Lặng lẽ chiều nay
Lặng lẽ mùa hè
Sân trường vắng
Và lòng tôi cũng vắng
Muốn tặng em
Một chùm phượng thắm
Tôi nhờ mùa hè
Bẻ hộ tôi.”
Khi Hà Lan ra thành phố học, phải đến 1 tháng cô bé mới về, khi về Hà Lan lạ lắm :
” Lối ăn mặc dung dị ngày nào đã biến mất. Bây giờ, nó mặc quần tây ống bó và chiếc áo tay phồng với đủ thứ thêu ren. Mái tóc của nó cũng được cắt ngắn gọn gàng hơn nhưng cũng kiểu kiệu cọ hơn. Mỗi khi nhớ đến mái tóc dài thường xõa tung trong gió thuở xưa, tôi cứ thở dài thườn thượt, y như Nguyễn Bính ngày nào:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”
Ngạn sau đó cũng lên thành phố học cùng Hà Lan, Ngạn trọ ở nhà cậu Huấn, nhà cậu Huấn giàu mở tiệm thuốc tây , nhà cậu có 3 người con trong đó có thằng Dũng.
Dũng hơn Ngạn 3 tuổi, nổi tiếng là công tử ăn chơi, lười học, lúc rảnh thường cùng đám bạn nhà giàu phóng xe Honda ầm ầm trên phố và khu vực ngoại thành. Dũng có tài đánh Billiart rất giỏi và có thể ca hát được, chất giọng trầm ấm. Do mải chơi nên Dũng bị lưu ban, cậu Huấn đã nhờ Ngạn kèm cặp Dũng chuyện học hành, tuy nhiên Dũng chỉ thích copy bài của Ngạn nên điểm lúc nào cũng cao.
Hà Lan từ ngày lên thành phố, do thích lối sống đô thành với có đi học thêm nên nàng ít về quê hẳn. Nhiều lần mẹ Hà Lan hỏi tại sao cô bé không về, Ngạn chỉ biết nói dối do Hà Lan bận học nên không về được, ánh mắt bà nhìn xa xăm, mấy củ khoai đợi Hà Lan về bà lại phỉa thái lát cất đi vì chờ mãi con bé không về.
Ngạn – Hà Lan – Dũng
Một sự kiện xảy ra đã làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ của Ngạn và Hà Lan. Hà Lan muốn mượn Ngạn một cuốn sách nên đã đến nhà Dũng. Dũng gặp Hà Lan và thông báo với Ngạn có con bé xinh xinh đang chờ Ngạn trước cổng. Ngạn chạy ra với Hà Lan và trong quá trình trao đổi, Dũng đã gợi ý mời cô bé vào nhà chơi. Khi đang bận lấy sách, xuống nhà Ngạn đã thấy Dũng và Hà Lan ríu rít trao đổi về chuyện ca nhạc, những điệu nhảy thời thượng lúc bấy giờ.
Lúc Hà Lan ra về, Dũng nói con bé đó là “bồ” của Ngạn hả, Ngạn nói không phải. Cậu rất khó chịu với từ “bồ” mà thích dùng từ “người yêu” cho thân thương, trân trọng đối phương. Dũng tính “cua” Hà Lan nên đã hỏi Ngạn, cậu nói yêu ai là quyền của Hà Lan và sau đó, Dũng đã hành động thật.
Sau hôm đó, Dũng đã đến trường nữ sinh đợi Hà Lan về, cô bé nhìn thấy Dũng là nhoẻn miệng cười, điều đó khiến Ngạn ghen tuông và đi theo. Sau đó, Dũng còn hẹn Hà Lan đi chơi, nàng xúng xính ngồi lên chiếc xe Yamaha của Dũng cùng chiếc váy màu hồng tuyệt đẹp. Sau đêm đi chơi đó về, Dũng còn ghẹo Ngạn, Ngạn thấy có gì tức nghẹn ở cổ, tức muốn khóc. Sau đó, Ngạn tránh mặt Hà Lan, chỉ khi Hà Lan tìm gặp Ngạn nói tránh mình bận. Ngạn rủ Hà Lan về nhà, xong Dũng cũng đi theo Hà Lan về quê, nghe thấy tiếng còi xe quen thuộc, Hà Lan vội rời đi bỏ lại Ngạn với rừng sim, với trời kỷ niệm quê nhà.
“Lòng tôi là cây khế
Em là chim về chơi
Vàng kia em chẳng trả
Chỉ nhả hạt xuống thôi
Hạt rớt xuống thành cây
Cây cũng toàn cây khế
Từ khi em đi rồi
Vườn tôi thành lặng lẽ
Biết bao giờ trở lại
Cánh chim em ngày nào
Lòng tôi hoa khế rụng
Xuống nỗi buồn nôn nao…”
Sau đó Dũng lại cặp kè với Bích Hoàng, con tiệm bánh hỏi cũng nổi tiếng ở huyện, điều dó làm Hạ Lan đau lòng. Ngạn hẹn Dũng ra cầu đá và 2 người đánh nhau vì Ngạn cảm thấy bất công với Hà Lan. Khi về, Dũng đã phải quay lại với Hà Lan, 2 người cứ đi chơi suốt mặc cho Ngạn vừa mừng vì 2 người làm hòa, vừa ghen vì người mình yêu lại ở bên kẻ khác. Nghỉ hè, Hà Lan chỉ ở nhà có 20 ngày, còn đâu nàng vẫn ở trên thành phố và đi chơi với Dũng. Ngạn cứ tránh mặt Hà Lan mãi và Hà Lan cũng vậy, phần vì bận ôn thi lớp 11 phần vì Hà Lan đã yêu Dũng và không còn quan tâm đến Ngạn, bẵng đi một thời gian, khi chỉ còn 3 tháng là đến hè, Hà Lan nghỉ học. Người Hà Lan xanh xao lắm và mệt mỏi, Ngạn mua thuốc cho Hà Lan nhưng cô bé chỉ bảo có rồi, còn Dũng cứ cặp kè hết cô nọ đến cô kia làm Hà Lan đau khổ. Mãi sau Ngạn mới biết chuyện Hà Lan có thai và Dũng hứa sẽ cưới cô khi thi xong tú tài. Cô Hà Lan dặn Ngạn không được nói chuyện với mẹ Hà Lan và bảo cô bé vẫn đi học bình thường.
“Nỗi buồn cứ cao vút như núi, kéo về án ngữ trái tim tôi.
Dù mai đây
Ai đưa em đi đến cuối cuộc đời
Dù cho em
Em đang tâm xé, xé nát trái tim tôi
Dù có ước, có ước nghìn lời
Có trách một đời
Cũng đã muộn rồi, tình ơi!
Dù sao, dù sao đi nữa
Xin vẫn yêu em…”
Sau đó, Ngạn vào Quy nhơn để học sư phạm, Dũng trượt tú tài phải đi quân dịch, Hà Lan về nhà chờ sinh. Trước khi đi,Ngạn có dặn khi nào cần hãy viết thứ cho Ngạn, Ngạn vẫn còn quan tâm đến Hà Lan nhiều lắm. Bức thư đầu tiên, Hà Lan thông báo đã sinh bé gái, đặt tên là Trà Long, 2 mẹ con đều khỏe ,Những bức thư sau Ngạn chỉ hỏi thăm sức khỏe 2 mẹ con. Sau đó có một bức thư nói Dũng đã về và làm đám cưới , nhưng không phải với Hà Lan và với người khác, điều này làm trái tim nàng đau đớn và cả Ngạn cũng không vui với thái độ lạnh lùng, đẩy hai mẹ con Hà Lan và chối bỏ trách nhiệm với hai mẹ con cô ấy như vậy.
Ngạn sau khi học xong đã xin về trường tiểu học của làng để dạy và về hẳn luôn, Ngạn về thăm thầy Phu và cô Thung trong sự ngạc nhiên lẫn vui mừng của hai người.
Trà Long
Khi Ngạn về, Trà Long đã được gần 2 tuổi và được gửi bên nhà ông bà ngoại vì Hà Lan còn bận đi làm may trên huyện nên bận tối tăm mặt mũi.
“Nó giống hệt mẹ, xinh xắn, dễ thương, đôi mắt đẹp di truyền ba thế hệ. Nhờ có nó bi bô suốt ngày, căn nhà đỡ trống vắng. Mẹ Hà Lan hẳn đã vùi xuống đáy lòng nỗi khổ tâm năm nào. Mỗi lần đến chơi, bao giờ tôi cũng bắt gặp bà vui vẻ đùa giỡn với cháu.
… Tôi thương Trà Long với một tình thương đặc biệt. Nó là hóa thân bé bỏng của Hà Lan. Nó là sự nối dài số phận không may của mẹ nó. Ngay từ khi lọt lòng nó đã là đứa trẻ không cha và mới hơn một tuổi đã sớm rời khỏi vòng tay mẹ. Ngôi sao bản mệnh của cháu nằm lẩn khuất nơi đâu giữa bầu trời đêm thăm thẳm, đêm đêm chú mỏi mắt dò tìm sao chẳng thấy? Cứ mỗi lần lặng ngắm Trà Long dạo chơi quanh quẩn bên bộ ván, lòng tôi không khỏi bâng khuâng.”
Sau đó khi Trà Long đến tuổi học tiểu học, Ngạn thay cha sắm đồ dùng học tập, dắt Trà Long đi học và dặn dò cô giáo quan tâm đến Trà lLong trước khi về văn phòng. Sau giờ học, Ngạn kèm Trà Long học và cứ như thể thờ thơ ấu của Trà Long đã trải qua êm đềm bên cạnh Ngạn.
Khi Trà Long lên lớp 6, ngày đi học con bé khóc như mưa khi phải chia tay chú Ngạn và lên trường huyện học. Thứ bảy nào Trà Long cũng đạp xe về làng Đo Đo, hai chú cháu lại lên rừng hái sim, có thể nói Trà Long ra đời đã an ủi Ngạn rất nhiều, bù đắp những lạnh nhạt mà Hà Lan xưa đã dành cho Ngạn.
Hết lớp 9, Trà Long xin vào trường trung học sư phạm với lời hứa sẽ ở bên Ngạn, Ngạn rất vui, ngày đưa Trà Long lên thành phố mà lòng Ngạn vui sướng không sao tả xiết. Lần này, Trà Long cũng ở nhà bà cô nhưng khác xa mẹ, Trà Long vùi mình vào học tập để nhanh chóng về làng Đo Đo để dạy học, thực hiện lời hứa với Ngạn.
Sau thời gian 3 năm , Trà Long trở về làng Đo Đo như lời hứa, Ngạn lại cùng Hà Lan dạo khắp rừng sim cũng như câu cá và chuẩn bị trở thành đồng nghiệp của nhau. Trong tim Ngạn như có một nụ hồng và Trà Long xinh đẹp như mùa xuân của Ngạn đã trở về. Cuối cùng hai người sẽ có cái kết viên mãn bên cạnh nhau không, các bạn hãy cùng tìm đọc cuốn sách nhé.
Nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, lôi cuốn và lối xây dựng nhân vật tài tình, bộ phim chuyển thể “Mắt Biếc” tháng 12 sắp tới ra rạp chắc chắn sẽ làm bạn hào hứng dựa trên cốt truyện, cuốn sách nổi tiếng “Mắt Biếc”. Mời các bạn cùng tìm đọc tác phẩm.
Liên hệ công việc, đặt bài qua gmail: ngathanh2703@gmail.com
Hoặc facebook Nga Nguyễn
Hoặc Fanpage: https://www.facebook.com/reviewsachvamarketingonline
Bài viết tương tự
1, Review sách “Suối nguồn tươi trẻ” : 5 thức tập cổ xưa của người Tây Tạng giúp bạn giữ gìn sức khỏe, nét thanh xuân
2, Review sách “Làm bạn với bầu trời”: Lan tỏa lòng nhân hậu, lạc quan yêu đời từ một “thiên thần” có thật
3, Review sách “Đảo mộng mơ”: Hãy cùng sống lại tuổi thơ đầy mộng mơ khi đọc cuốn sách này
4, Review sách “Cô gái đến từ hôm qua”: Mối tình đầu quay trở lại theo một cách ít người ngờ tới