Review sách “Người xưa cảnh tỉnh” – Thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỉ XX

Bằng những lập luận sắc bén cùng những dẫn chứng rõ ràng, thuyết  phục,tác giả Vương Trí Nhàn đã khắc họa lại những thói hư tật xấu của người mình trong cuốn sách “Người xưa cảnh tỉnh”. Dù có trải qua hơn 1 thế kỷ nhưng những nhận xét của các bậc sỹ phu yêu nước thời xưa vẫn khiên chúng ta giật mình và soi lại bản thân mình

Thông thường con người tâm lí chung không ai muốn bị khiển trách, chê bai, ai cũng chỉ thích khen ngợi mình. Tuy nhiên, chỉ khi dũng cảm nhìn nhận và chấp nhận sự thật rằng con người ai cũng có thói hư tật xấu thì con người mới phát triển.
Và xuất phát từ nguyên nhân đó, các nhà sỹ phu yêu nước đầu thế kỉ XX đã dám đứng lên, thực hiện một cuộc chấn hưng dân khí để liệt kê ra những thói hư tật xấu của người Việt, qua đó thể hiện lòng yêu nước của họ cũng như những trăn trở, những cải cách nhưng mong dân mình ngày càng tiến bộ, đi lên và bắt kịp với các cường quốc trên thế giới.
Sau đây chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu cụ thể những thói hư, tật xấu của người Việt qua nhiều khía cạnh của đời sống qua những bài tổng hợp và phân tích của tác giả Vương Trí Nhàn.
Nhà văn Vương Trí Nhàn nhận định : ” Thông thường thì gọi là thói hư tật xấu của người Việt Nam, nhưng thực ra đó là trình độ sốn, trình độ làm người của người Việt Nam… Điều quan trọng bây giờ là nhận thức mình xem anh là người thế nào, anh là ai. Tất cả tương lai của dân tộc nằm trong hành động này… Một trong những thói xấu của người Việt Nam là rất sợ nói đến thói xấu.. Cả xã hội đang đóng băng sự tự khen thưởng… Nhưng thói xấu lớn nhất vẫn là sợ người khác nói xấu mình. Làm ăn với nước ngoài mà cứ lấy tinh vặt ( ranh ma, khôn vặt ) làm kế sinh lãi ….

1, Ăn ở cư trú sinh hoạt – quan hệ với môi trường thiên nhiên 

“Nói riêng về một sự ở…. Nay trong kinh thành, con đường lục bộ cho đến đường các nha thự, chợ quán, tường hào, vườn hoa và các bến sông, chỗ nào cũng có uế khí, thậm chí có kẻ trước công chúng mà đi tiểu đại. Các cầu dọc theo sông, không luận ngày đêm, đàn ông đàn bà, cứ ra nơi đấy mà phóng uế, quen lấy làm thường… Ở Phương Tây, phàm những người nào bỏ rác ra làm nhơ đường đều bị phạt cả vì việc ấy bất nhã mà có mối hại chung. Ta cũng là người như họ, lại không biết xấu  hổ sao?”

– Nguyễn Trường Tộ-

“…Nhân việc ăn uống mới sinh ra nào khao nào vọn, nào lình nào lão, hết thứ tiền này đến thứ tiền khác, kể một đời người biết bao nhiêu sự đóng góp với làng. Mà có ra gì đâu, chỉ đến đóng vai theo chân ra ngồi chiếu trên chiếu dưới, phần nhiều phần ít là cùng.”

– Phan Kế Bính-

Những nết sinh hoạt tưởng chỉ tồn tại ở thế kỉ XX vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống ngày hôm nay, ngay bây giờ như thói vứt rác bừa bãi, thói quen ăn uống linh đình, làm cỗ lớn, coi trọng miếng ăn…

2, Tệ nạn xã hội

– Căn tính lười nhác

“Trong một ngày có 2 giờ nửa ngồi chết trước cuộc tài bàn, nửa nằm chết bên đèn thuốc phiện. Vận động đã không có công phu thì huyết mạch lấy gì làm lưu thông; huyết mạch đình trệ thì thân thể phải hèn ốm cho rồi, dân mới hóa ra dân nô lệ , nước mới hóa ra nước bạc nhược

– Phan Bội Châu, 1926-

– Tham giàu cho mau nên sinh cờ gian bạc lận

… Nghĩa là tham cho mau có tiền, đặng khoe nhà cửa cao lớn , đặng cho khỏi bị người giàu khinh khi bỉ bác. Tại bởi quấy, ít thương nhau cho nên sinh ra đua về lí tài. Lý tài gấp thì có món chi mau hơn cờ gian bạc lận ? Rõ là tục quấy làm cho người trở lòng tham lam.

Lương Dũ Thúc

Mê tín gây nhiều lãng phí

Lễ kỳ an chủ ý là trừ khử ma quỷ cho dân xã bình an. Ta lại tin theo Phật thuyết, bày ra vàng mã, nào mũ Ngọc Hoàng, nào tượng Minh Vương, nào âm quan quỷ tốt, chiến khí binh thuyền,. Sự quỷ thần huyền viễn chưa biết đâu, mà sự “tiền thật mua đồ giả ” thì đã rõ. Uổng tiền được việc cũng cam, nhưng nào có được việc gì đâu, rút lại chỉ tại ta tin nhảm

– Phan Kế Bính , 1915-
Và còn rất nhiều tật xấu khác như: mê muội hưởng lạc, ham muốn tầm thường, tang ma tốn kém, biếng nhác, vô cảm, lẩn tránh… sẽ được trình bày rõ trong phần này. Vấn đề cờ bạc thời nào cũng vạy, nó vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở qua từng thời kỳ, xã hội càng phát triển, các hình thức cờ bạc trá hình ngày càng gia tăng và biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau khiến bao gia đình ta cửa nát nhà, không chốn dung thân cũng bởi thói tham lam, ham giàu xổi… của một số bộ phận người dân.

3, Dân trí – ý thức xã hội

– Dân trí – ý thức xã hội

“Dân nước ta có ưu điểm là an phận, thành thực, nhẫn nại. Không biết lợi dụng nhưng ưu điểm ấy sẽ sinh ra ba cái tệ. Một là bảo thủ mà không biết tiến thủ. Hai là dựa vào người mà không biết tự lập. Ba là yên thân mình nhà mình, mà không biết ái thần ái quốc.Không trừ ba cái tệ đó thì dù có vua hiền tướng giỏi cũng chỉ bình trị nhất thời mà thôi, sao có thể chống trọi với các nước lớn được. ”

– Còn quá lơ mơ khi thời thế đã thay đổi

“Khi cái tư tưởng quốc gia đã nảy trong óc người Tàu, người Cao Ly, người nước ta còn say sưa trong giấc ngủ ngàn năm, chưa có chút gì gọi là giật mình mở mắt cả. Bọn già thì lo làm quan để kiếm tiền nuôi vợ con, bọn trẻ thì lo làm thầy đặng kiếm gạo nuôi miệng, ngoài cái lo xác thịt ra thì không có một tư tưởng gì khác.”

– Không thiết việc đời

” Dân ta xưa nay chỉ quen sống “sau lũy tre xanh”, không thạo cách hội họp vả lại về tinh thần có tính cẩu thả. Sống được là may, học hành làm gì… đó là những câu họ thường trả lời cho ta khi ta khuyên họ nên học cho biết

-Ngô Tất Tố, 1938-

Và còn rất nhiều tật xấu khi nói về dân trí, ý thức xã hội. Khi học cái gì cũng không chịu học cho sâu, chỉ tìm hiểu bên ngoài mà thiếu đi tính nghiên cứu sâu bên trong, tìm hiểu bản chất vấn đề. Bàng quan, không lo việc đời là điều thứ hai, và còn rất nhiều điều nữa sẽ được đề cập đến bạn trong cuốn sách này

Người xưa cảnh tỉnh - Vương Trí Nhàn
Người xưa cảnh tỉnh” – Thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỉ XX

4, Giáo dục

– Tâm lý học để đi thi

“Người nước mình từ xưa đến nay, cái tâm lý đối với việc học là học mà đi thi, đi học cũng như buôn bán hay làm nghề, cái mục đích chỉ là cầu lợi mà thôi….”

Tâm lí đến bây giờ vẫn cứ vậy, học không cầu hiểu cho sâu mà học để làm quan, theo con đường khoa cử  mà quên mất việc học sao cho hiểu sâu, hiểu rõ bản chất vấn đề.

5, Giao lưu tiếp xúc

– Không thật bụng trong giao thiệp

“Phàm người bình thường khi gaio tế với người ta, một khi mở bày tấm lòng là đã thấy thành thực, thế còn sợ chưa thỏa lòng thay. Huống chi ngồi nói chuyện với người ta, mà coi bộ bồi hồi láo liêng, như người xây xẩm, mắt cứ ngó chừng bốn phía, như sợ để quên vật gì sẽ lấy cắp đi, – như thể là mình đem cái tâm không tốt ra đối đãi ới người ta, mà người ta không nghi kị sao được?”

– Nguyễn Trường Tộ, 1871-

– Bỏ đặc sản của mình, chạy theo hàng ngoại

Những thứ quà đặc biệt riêng của từng vùng ngày trước ta có nhiều : Ninh Giang có bánh gai, Yên Viên có bánh giò ….. Những thứ quà ấy nay nơi thì còn giữ được vị ngon như cũ, nơi thì chỉ còn cái tiếng. Người sành ăn bây giờ mỗi ngày một ít, người ưa chuộng của tốt cũng không còn có nhiều. Người bây giờ chỉ ham cái sự rẻ và chỉ cần có cái màu mỡ bề ngoài. Sự giả dối, điêu ngoa và luộm thuộm thay thế cho sự thật thà cẩn thận. Không cứ gì trong thức ăn, cả đến những sản phẩm khác cũng vậy…”

– Thạch Lam, 1940-

Khi giao thiệp với người nước ngoài hay ai cũng vậy, ta vẫn giữ niềm nở nhưng chưa thật bụng, vẫn còn thái độ dò xét, ướm thử lòng. Trong cách ăn uống nay cũng khác đi nhiều, không còn sự sành ăn mà chỉ còn sự xô bồ, chỉ còn cái tiếng, những đặc sản cứ dần mất đi, những niềm tự hào của từng địa phương về các món ăn cứ dần không còn, tinh hoa ẩm thực giờ đây cũng chỉ là khái niệm rất mơ hồ mà chắc chỉ còn ở lại với thế hệ ông bà, bố mẹ, trong những câu chuyện kể…

6 , Làm ăn buôn bán & các hoạt động kinh tế

– Thiếu cái gan làm giàu

Cách đại thương là có gan làm giàu. Coi người ta phí bao nhiêu tiền bạc mà không sợ mất là vì người ta tiên liệu đại lợi, kể chi sự phí . Chớ như nguồ bổn quốc ta, muốn cho thấy trước mắt có lơi mới làm.”

– Lương Dũ Thúc, 1901-

– Không chịu học buôn học bán

“Buôn bán với các nước, lại càng chẳng có ai gọi là tay đại doanh nghiệp. Vì cớ từ xưa đến nay, đàn ông ở ta chỉ lo học hành làm thơ phú ngâm nga, hi vọng làm quan, chứ buôn bán là do mạt nghệ. Hai nữa là từ xưa không có học làm sổ sách buôn bán, không có một trường nào dạy buôn như nước Tàu cũng như các nước Âu Mỹ. Nhẽ thứ ba, ta có buôn chỉ buôn quanh bán quẩn với nhau, không thực thà không đồng tâm, không thạo việc, không biết đối đãi với khách mua hàng…

– Lê Đức Mậu, 1921-

Ta từ xưa đến nay vẫn coi trọng con đường khoa cử, thích làm quan hoặc làm liên quan đến công chức, ổn định mà nhiều người chưa mạnh dạn tách ra buôn bán. Không như Trung Quốc họ sống về nghề buôn, họ buôn bán khắp thế giới, được dạy dỗ về nghề buôn từ trong gia đình, buôn có bạn bán có phường…

7, Nói năng,suy nghĩ, lễ nghi, phong tục và các sinh hoạt tinh thần

-Nói liều nói ẩu

“Không biết nói không biết, đó là nghĩa vụ thứ nhất của người muốn học muốn hiểu. Đằng này có nhiều người ở ta lại làm như trong thế giới này, cái gì cũng rõ ràng minh bạch., tựa hai lần hai là bốn. Ai không tin là thế, họ liền phê bình cho hai chữ: thần bí; hai chữ ấy trong trí họ tức là ngu xuẩn, điên rồ. Họ không ngờ rằng họ lại thần bí hơn ai hết ”

– Hoài Thanh, 1936-

8, Quan hệ giữa người và người

– Không ai hết lòng với ai

“Tôi xem trong xứ ta tính người đổi nhiều lắm, tục tốt ít ưa, tục quấy hay thích. Tục tốt là thương yêu nhau, thấy ai mạnh thì vui, thấy ai khổ thì thương. Còn quấy là ganh hiền ghét nhỏ, gièm phải dua quấy, thấy ai giỏi hơn, giàu hơn sang hơn thì không ưa, thấy ai dở hơn, nghèo hơn, hèn hpn mình thì khinh bạc, chê bai ;  những điều quấy như vậy xem ra tiệm đủ gần hết. Coi ra cho  kỹ thì ai lo phận nấy, ai chẳng cần ai, sang với nghèo, đãi nhau không hậu tình. Tệ nạn mỗi ngày mỗi thêm, làm sao cho khỏi bị người các nước khác khinh khi. Cũng bởi vì minh ở với nhau còn không phải không tốt thay, hà huống gì với nước khác, bảo người mình vì sao đặng?

– Lương Dũ Thúc, 1901-

Tự chung quan hệ hiện tại đa phần là như vậy, không ai hết lòng với ai, với kẻ mạnh hpn thì xu nịnh, kẻ yếu hèn hơn thì khinh khi, không dùng thái độ công bằng để đối đãi với mọi người. Mạnh ai nấy lo.

Trên đây là một trong những tật xấu điển hình của người mình từ trăm năm về trước đến bây giờ một số thói xấu ta vẫn còn lưu giữ. Tuy nhiên, nói gì thì nói, ta cũng vẫn là một nước có bản sắc và truyền thống, văn hóa riêng. Không phải cái gì cũng bỏ là bỏ ngay được mà cần thời gian cũng như sự quan tâm của toàn xã hội. Không phải cái gì cũng học theo Tây phương hay nước bạn Nhật, Trung… hiện đang có lối sống công nghiệp khiến nhiều người chạy theo đồng tiền dẫn đến stress liên miên và con người ngày càng giống cỗ máy và không tìm được niềm vui vẻ trong cuộc sống. Chúng ta cần thay đôi và nên phù hợp với thuần phong mỹ tục cũng như văn hóa của ta.

Những chương sau sẽ nói về thói hư tật xấu ở hiện tại của người Việt mình và bàn luận kỹ càng hơn, mổ xẻ nhiều hơn về các tật xấu đó. Cũng như nguyên nhân, giải pháp thay đổi các tật xấu của người mình.

Mượn giọng văn sắc sảo, đanh thép, hùng hồn của các nhà chí sĩ yêu nước cộng với lối văn sắc bén, dám nhìn thằng vào sự thật cũng như lối bình luận trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề cũng như có những kiến giải hợp tình, hợp lí luôn là một trong những điểm mạnh khiến những tác phẩm của tác giả Vương Trí Nhàn luôn gây tiếng vang lớn.

Mượn truyện người trước, ngẫm lại thời nay, đây sẽ là một cuốn sách gối đầu giường quý giá cho những bạn muốn tìm cách sửa mình để hoàn thiện hơn trong cuộc sống.

Mời bạn tìm đọc.

– Nga Nguyễn- 

Liên hệ đặt bài qua gmail:ngathanh2703@gmail.com

Bài viết liên quan

1, Review sách “Tôi chỉ muốn sống một mình trong trái tim em” : Không còn là diễn viên Mạnh Thụy, chỉ còn đó chàng trai với trái tim ấm áp, chân thành và sâu lắng

2, Ngày còn bé và khi đã lớn

3, Review sách “Mắt biếc” : Cả bầu trời trong đôi mắt Hà Lan đã làm Ngạn si mê, thương nhớ một đời 

4, Đi làm có gì vui