Qúa trinh vòng quanh châu Âu để tìm lại chính mình, đi tìm những câu trả lời cho cuộc đời mình của một người phụ nữ nhỏ bé có làm bạn tò mò. Hãy theo chân cô ấy trong cuốn sách “Một mình ở châu Âu”- Phan Việt nhé
“Sợ thì cũng phải làm.”
ĐỨC
“Rostock, Đức, ngày…, tháng Tám , năm 2008.
Tôi không ngủ được nên đã ngồi dậy để viết. Cái máy tính của Hiền, em chồng tôi, dùng Windows Đức và bàn phím Đức nên hơi khác với bán phím Mỹ: chữ Y bị chuyển từ hàng thứ nhất xuống hàng thứ 3 và chữ Z thì thế chỗ chữ Y. Các phím Shift, Ctrl , các phím số đều lạ; tôi thậm chí không thể gõ một số ký tự và dấu theo ý mình và đang mất gấp đôi thời gian bình thường để gõ những dòng này. Nhưng đi du lịch là như vậy : mọi thứ không bao giờ như ở nhà.
Hôm qua, chuyến bay từ Boston đi NewYork chỉ có 1 tiếng và tôi phải chờ 3 tiếng ở NY JFK trước khi lên máy bay đi Berlin. Chính ở JFK chiều qua, tôi đã chạm chán châu Âu lần đầu. Khu vực đi châu Âu tràn ngập người Âu và có thể nhận ra họ ngay:người Âu, kể cả khi bay đường dài vẫn ăn mặc chải chuốt trong khi người Mỹ ăn mặc cốt sao cho thoải mái. Những cô gái Đức, Pháp, Ývẫn váy ngắn, giày cao gót , tất dài, kính mát, khuôn mặt trang điểm cẩn thận như đang đến một cuộc hẹn; những người đàn ông mặc suit đen khít người hoặc designer jean với sơ mi phẳng phiu. Và nước hoa! Người Mỹ hầu như không còn dùng nước hoa khi đi làm hằng ngày , và nếu có thì thường không dùng quá tay như để đề phòng. Còn những người châu Âu trong khu chờ bay, ai cũng mang nước hoa; nhẹ, mà lưu mùi rất lâu.
Phải nói gì về ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên đất châu Âu. Nếu phải chọn một cụm từ chủ đạo cho ngày đầu tiên này, tôi sẽ chọn một cụm từ đã bị lạm dụng trong thời gian gần đây nhưng lại chính xác trong trường hợp này : “Thế giới phẳng”. Sau 7 tiếng đồng hồ từ khi rời NY , cái đập vào tôi đầu tiên trong sân bay ở Berlin là sạp bán sách và tạp chí. Chúng không khác gì với quầy Hudson ở sân bay JFK ngoài chuyện bằng tiếng Đức.
Nhưng cái ấn tượng “phẳng” lớn nhất là trên khuôn mặt người . Trong hành lang sân bay Tegel, hầu hết người chờ bay đều mang 1 khuôn mặt “phẳng” giống hệt nhau khuôn mặt nìn thẳng về phía trước, không rõ thái độ, như thể không hề biết dòng người đi lại hối hả xung quanh. Không biết người Đức không có thói quen biểu lộ tình cảm nơi công cộng, hay cái vẻ mặt phẳng đó là biểu hiện của sự đồng dạng về tình cảm , suy nghĩ, hành vi mà cội nguồn của nó có thể chính là sự đồng dạng trong tiêu thụ các sản phẩm văn hoá. Với tốc độ toàn cầu hoá (mà phần nhiều là Âu – Mỹ hoá ) như bây giờ thì đến một lúc nào đó , du lịch có lẽ sẽ mất cái ý nghĩa khám phá một văn hoá khác , với giá trị tương đương và tự thân, so với các giá trị Âu – Mỹ. “
Vậy là tác giả đã đặt chân tới Đức, với một ý niệm khác về châu Âu là thế giới phẳng, với những hàng người cũng “Phẳng.”
Nói thêm một chút về người phụ nữ này, cô có một người chồng tên là Sơn. Hai người chung sống tại Mỹ. Nhưng chồng cô cứ đi đi, chuyển nhà và nơi làm việc khiến cho cô cảm thấy sống với anh khó quá. Cô đang suy nghĩ về việc cô với anh có thể chung sống tiếp tục với anh nữa hay không… Và cô cần một chuyến du lịch một mình để bình tâm và đưa ra những quyết định về cuộc đời mình.
ROME
“Rome, ngày…
Sáng nay, tôi rời Berlin trong mưa. Trời lạnh, nhiều gió. Sau 2h , Rome đón tôi bằng bản nhạc Clair de Lune của Debussy đột ngột được mở trong khoang máy bay của hãng hàng không giá rẻ Easyjet. Ra khỏi cửa máy bay là nắng ấm và trời xanh Địa Trung Hải.
Từ sân bay Ciampino phải bắt xe buýt vào nhà ga trung tâm của Rome: Roma Termini. Bên ngoài sân bay, cảnh tượng nhốn nháo khác hẳn Đức và cũng bẩn hơn Đức rất nhiều . Ba lần liền, những chiếc xe con sà vào gần chỗ tôi đứng và những đại gia đình bảy, tám người huyên náo chui vào những chiếc Fiat 5 chỗ, chưa kể hành lý được chất đầy trong cốp xe hoặc chằng trên nóc xe. Trên xe buýt chạy vào thành phố, radio được mở to cho cả xe nghe. Không biết tiếng Ý thì tôi cũng hiểu là đang có một trận bóng đá . Chà, bình luận viên trên Radio…nói thế nào nhỉ…à, “nói văng nước miếng ” trong khi người tài xế và một số hành khách ngồi gần đó vừa nghe vừa mắng nhiếc , la ó các cầu thủ một cách đầy kích động khiến cho tôi vừa thót tim sợ rằng bác tài sẽ tông xe vào lề đường vừa không nhịn được cười khi nghe những tiếng gào thét huyên náo và những âm rung rr ….dặc trưng của tiếng Ý. Ngoài đường , hầu như xe ô tô nào cũng để ngỏ kính cửa , từ đó vọng ra tiếng radio tường thuật bóng đá và lái xe taxi có một vẻ mặt hằm hằm như thể khách đi xe là kẻ thù khiến họ bỏ lỡ cơ hội xem trận bóng.
Ngay khi vừa xuống xe bus, cô gái đã bị một người taxi lừa tiền khi đòi 14euro khi tới khách sạn mà cô thuê. Nhưng cô chỉ trả 12 euro mặc cho tên đó định báo cảnh sát. Một trải nghiệm không được vui lắm khi mới đặt chân tới Rome. Mya sao cô cũng đến được khách sạn.
“Ở Rome, nếu tính tỷ lệ , có lẽ đài phun nước, nhà thờ, và các quảng trường công cộng là 3 dạng công trình có mật độ dày nhất. Cứ đi vài phố lại thấy một đài phun nước giữa một quảng trường lớn hoặc nhỏ. Và nhà thờ thì hầu như góc phố nào cũng có. Hình như từ ban đầu, người La Mã hiểu rằng để có một xã hội tốt và đời sống cao thì phải có 1 xã hội dân sự và người dân cần được thực hành quyền dân chủ của mình bên cạnh việc vui chơi giải trí . Họ hiểu rằng con người thực sự là một thực thể xã hội, bên cạnh việc là một thực thể sinh học và tâm linh. Một điều nữa cũng cũng khiến tôi nghĩ : Rome thực sự rất nhỏ về diện tích và theo một số tài liệu tôi từng đọc thì người La Mã cổ đại chỉ có chiều cao trung bình khoảng 1m50, nhưng họ đã thiết kế các công trình công cộng với một sự phóng khoáng và vĩ đại cả về ý nghĩa và kích thước thực. Những quảng trường thênh thang, những nóc tường cao, những hành lang đá lớn, những tụ tường cẩm thạch mấy người ôm, những tháp nhà thờ vươn thẳng lên trời, những bậc thềm, và những chạm trổ kỳ công… Mọi thứ đều phải cao rộng, hoành tráng , phải như thế giới của các vị thần, của Chúa thiên đàng. Con người quả là một bản sao của thế giới thần thánh; và nghiễm nhiên có thể trở thành thần thánh.”
Ở Rome nổi tiếng với các nhà thờ La Mã, đài phun nước, kiến trúc cổ kính… hiện lên đầy lãng mạn nên thơ. Cộng thêm lối kiến trúc cổ kính, mạnh mẽ luôn là điểm thu hút khách du lịch khi đến nơi đây.
COPENHAGEN
“Copenhagen thực sự rất chậm và có thể làm nản lòng những người muốn tìm kiếm giải trí. Đây là một thành phố hoặc sẽ bị coi là nhạt nhoà và điển hình của sự già cỗi châu Âu hoặc một thành phố dường như đang điềm tĩnh cưỡng lại sự toàn cầu hoá bằng một ý thức sâu sắc về sự truỵ lạc và tự diệt vong trá hình dưới cái vỏ “hiện đại hoá” . Copenhagen vẫn còn đầy bóng dáng của sự cổ điển.
Ở Copenhagen cũng như ở Berlin, ở Rome những ngày này, cảm giác nổi trội nhất trong tôi chỉ là cảm giác về sự chuyển đổi: tôi chỉ đang trôi từ nơi này tới nơi khác trong một thế giới đã hoá lỏng.
Nhưng vào lúc hoàng hôn ngày hôm nay, khi vượt qua biển Baltic trên chiếc tàu phà khổng lồ Scandlines để trở lại Rostock từ Copenhagen , nhìn những con sóng bị mũi tàu đánh tơi thành những đám bọt trắng trong lúc con tàu tiến nhanh về phía Nam, ngay cả cảm giác di chuyển cũng dừng lại. Tất cả những gì tôi cảm thấy chỉ là sự bình yên được bỏ neo sâu sắc và chắc chắn bên trong ở nơi nào thì tôi không biết. Cái khối bình thản ấy không chứa trong nó bất cứ ý nghĩa nào cụ thể nào nhưng nó làm nước mắt tôi dâng lên.”
Thành phố mà tác giả An – đéc – xen nhắc đến hiền hoà, yên bình như bỏ ngoài tai sự “hiện đại hoá “, thay đổi chóng mặt từ bên ngoài mà vẫn khoác lên mình sự thanh bình, nhẹ nhàng như những câu chuyện cổ tích của tác giả.
PARIS
“Từ bên ngoài và từ đằng trước, Nhà thờ Đức Bà không mấy ấn tượng. Hai tháp chuông và mặt tiền của nhà thờ có một vẻ trần trụi không ăn khớp với tưởng tượng của tôi ; đã thế trông lại khang trang , sáng sủa đáng thất vọng do màu vôi sáng. Thêm vào đó, từ sớm và tuy trời bắt đầu lất phất mưa nhưng rất nhiều khách du lịch đã xếp hàng và đứng ngồi khắp quảng trường phía trước nhà thờ – tất cả đều toanh toách làm dáng để chụp ảnh khiến cho toàn bộ tưởng tượng mấy chục năm nay của tôi về Nhà thờ Đức Bà bị những cái chớp máy ảnh và những nụ cười xé nát.
Trong nhà thờ hơi tối. Ánh sáng dường như chủ yếu có mục đích làm nền cho hàng cửa sổ kính màu trên cao; còn bên dưới, những khuôn mặt người chìm vào bóng tối và sự chờn vờn của những ánh nến thắp dọc hành lang. Đột nhiên, Paris bên ngoài không còn tồn tại. Xung quanh, những người khách du lịch đi lại rón rén; một số khác gục xuống những hàng ghế cầu nguyện cùng tiếng chân bước âm thầm dưới những mái vòm cao khiến cả nhà thờ có không khí của một nhà nguyện Trung cổ. Tôi ngồi xuống một hàng ghế gần một cây cột cao. Càng ngồi, tôi càng chìm dần vào một cảm giác quen thuộc như thể tôi không phải khách du lịch ở đây; tôi là một người quen ghé lại thăm một căn nhà cũ, nơi người chủ mà tôi từng thân thiết đã di chuyển đi từ lâu nhưng cũng có thể bất thình linhd ghé lại ngồi xuống cạnh tôi. “Xin chào, đã lâu quá rồi phải không?”
Đôi khi ta đến thăm một địa danh, một cảm giác thâ thuộc ở nơi đó khiến ta có cảm giác mình là người ở đó và khi đến đó, lại nhận được lời chào. Lâu quá không gặp.
“Người ta bảo “ngày nào ở Paris cũng là chủ nhật”. Tôi không đồng ý. Tôi nghĩ phải sửa lại :” Ngày nào ở Paris là ngày thứ bảy, còn ngày Chủ nhật ở Paris là ngày Chủ nhật ở Paris.” Bất thần, ít nhất là vào những giờ sớm của buổi sáng , thành phố rửa sạch son phấn trang điểm và lộ khuôn mặt mộc của nó. Một vẻ hoài niệm cổ điển bao trùm, khiến cho người ta đột nhiên cũng trở nên trầm mặc và muốn xích lại gần nhau. Trên metro không người buổi sớm, tôi ngồi đối diện một chàng trai có vẻ là sinh viên Sorbonne. Anh ta liếc tôi, khi tôi nhận ra và liếc lại thì anh ta lại quay đi. Buồn cười. Thật dễ dàng để bắt đầu một romance ở Paris.”
Người ta nói Paris là thành phố lãng mạn, tình yêu không hề sai. Cảnh sắc lãng mạn, con người lãng mạn như vậy làm sao có thể khiến con người ta không động lòng. Nhất là đối với những người đang cô đơn.
VENICE
“Thế rồi trong lúc tôi đang lơ đãng như thế thì Venice bất thần tóm được tôi, y như một cái mạng nhện trong suốt đột nhiên hiện ra tóm dính con muỗi vô tư lự bay ngang. Tôi đã rơi vào trạng thái bị thôi miên bởi một biển chuyển động của Venice, tựa một bệnh nhân bị thôi miên bởi cái đồng hồ quả lắc của nhà ảo thuật vô hình.
Đấy là chuyển động nhịp nhàng của dãy thuyền gondola đậu song song nhau ở mép nước ; của những cơn sóng ào ạt chạy từ biển, táp bọt trắng xoá vào bờ , của những hàng nước mưa theo gió tạt dọc tạt ngang trong không trung như một nghệ sỹ trượt băng đang lướt tự do theo một điệu valse. Những chiếc gondola này đều được sơn xanh da trời thẫm ; mỗi lần một cơn sóng táp vào bờ , những chiếc thuyền lại nhào lên đè sóng, rồi tút ra theo nước; cả loạt mũi thuyền cong vút nhấp nhô đều tăm tắp, cứ như thể đấy là một hàng diễn viên vũ ba lê mặc váy xanh da trời đang múa. Điều tuyệt vời nhất là, vì mưa cho nên tất cả những xe bán dạo đồ lưu niệm đều biến mất khỏi quảng trường; cả khách du lịch và người chèo thuyền cũng đã biến vào các hàng hiên. Từ chỗ tôi nhìn ra, cả quảng trường bây giờ đã trôi hết phấn son du lịch. Chỉ còn một khoảng trống mênh mông; như một sân khấu lớn, ở đó, những diễn viên ba lê và trượt băng đang tự do bay lượn giữa tiếng vĩ cầm của gió , của sóng, trong lúc mưa đổ như vãi kim cương từ trên cao.”
Từ không có ấn tượng gì với Venice, tác giả đã bị thiên nhiên nơi đây “bỏ bùa. Trận mưa như màn trình diễn của các diễn viên ba lê tuyệt diệu mà người khách không thể rời mắt.
FLORENCE
“5H30 chiều : Viết từ trên tháp cao nhất của nhà thờ Doumo. Tôi đang ở trên đỉnh cao nhất của Florence , nhìn xuống thành phố và những quả đồi của bình nguyen Tuscany bao quanh thành phố. Từ chỗ này, khung cảnh thật choáng ngợp . Hàng hàng những ngôi nhà Phục hưng màu đỏ , vàng, và da cam toả ra như những cánh cung từ quảng trường trung tâm thành phố , chạy tới những chân núi xanh xa . Mặt trời đang lặn, rải những ánh nắng ấm dịu xuống một vài nóc nhà ở phía bên này thành phố, trong khi lại chói sáng ở phía khác. Đây đó trên những quả đồi, mây trắng bảng lảng trong một thứ ánh sáng mơ hồ như phủ khói. Bầu trời có màu gần xanh nhưng ở về phía Tây có những đụn mây hồng và tím dày, qua đó, những luồng ánh sáng trắng xuyên xuống thành vệt. Thật là một cảnh thánh thần; người ta có thể cứ chép nguyên khung cảnh này và gọi nó là thiên đường. Tôi có thể đứng đây ngắm nguyên khung cảnh này mãi mãi nhưng Doumo sẽ đóng cửa lúc 6h20 nên tôi phải ghi nhanh chút rồi ra khỏi đây.”
Khung cảnh nơi đây êm dịu như khung cảnh miền sơn cước, mặt trời chiếu cuống những nóc nhà làm ánh lên khung cảnh yên bình hoà lẫn thiên nhiên yên bình không khỏi khiến người lữ khách phương xa muốn dừng chân níu lại hình ảnh này.
Rồi quyết định của cô gái sẽ ra sao với Sơn ? Hãy cùng theo dõi tác phẩm
Với nghệ thuật tả thực, phong cảnh châu Âu hiện lên vừa hùng vĩ, sống động trần trụi nhưng cũng uy nghi , lộng lẫy. Tác giả ghi lại từng chuyển động của châu Âu như một người lữ khách qua đường yêu mến vẻ đẹp cũng như con người nơi đây. Những trải nghiệm quý giá sẽ cho chúng ta thêm yêu và hiểu Châu Âu nhiều hơn.
Liên hệ công việc, đặt bài qua gmail: ngathanh2703@gmail.com
Hoặc facebook Nga Nguyễn
Hoặc Fanpage: https://www.facebook.com/reviewsachvamarketingonline
Review sách “Em”:Dù là EM hay ME, hãy thành thật với chính mình, với cảm xúc của bản thân
Review sách “Ngồi khóc trên cây”: Số phận đôi khi sẽ thử thách chúng ta theo những cách rất đặc biệt
Review sách “Hạnh phúc là”: 500 gợi ý để sống trọn từng giây
Review sách “Ý tưởng này là của chúng mình”: Quảng cáo vui lắm, rảnh vô làm chơi !