Ai cũng mong có một tuổi thơ êm đềm, nhiều kỉ niệm đẹp nhưng sao trong “Những ngày ấu thơ” của tác giả Nguyên Hồng lại cơ cực, nhiều đắng cay đến thế. Thương sao những dòng tâm sự này…
TIẾNG KÈN
” Thầy tôi làm cai ngục. Mẹ tôi con một nhà buôn bán rau đậu, trầu cau lần hồi ở các chợ và trên đường sông Nam Định – Hải Phòng. Tuổi thầy tôi hơn 30, gấp đôi tuổi mẹ tôi. Hai thân tôi lấy nhau không phải vì quen biết nhau lâu mà thương yêu nhau. Chỉ vì hai bên cha mẹ, một bên hiếm hoi muộn cháu và có của; một bên sợ nguy hiểm giữ con gái đẹp đến thì ở trong nhà và muốn cho người con ấy có chỗ nương tựa chắc chắn, được cả dòng họ trọng đãi nếu mắn con.
Tôi đẻ ra, đã được bao nhiêu người nhà những tội nhân có máu mặt đến mừng, biết bao nhiêu kẻ nhờ vả ông bà tôi lại thăm nom. Đồ vàng bạc, các thứ lụa là, gạo thơm, gà béo, trứng mới, cá biển tươi… từng tráp, từng thúng , từng bu đã chật ních cả tủ áo và chạn thức ăn. Vú bõ trong nhà đã hả hê có số tốt được hầu hạ một cửa “quyền quý” Sau này, mỗi lần nhắc tới ngày sinh nhật vui vẻ của tôi , trong cái giọng nói hổn hển thỉnh thoảng lại ngắt quãng với những tiếng ho khan của bà nội tôi, tôi thấy có nhiều sự cảm động lắm. Cảm động vì nhớ tiếc, vì đau xót.
Thầy mẹ tôi lấy nhau không phải vì thương yêu nhau, trái ngược cay đắng đó tôi đã hiểu biết rõ rệt và thấm thía ngay từ năm tôi lên 7, lên 8, ở vào cái tuổi mà tính tò mò rất dễ bị kích thích và trí ngây thơ trong suốt đã ghi giữ một hình ảnh gì , một nỗi niềm nào thì ghi giữ mãi mãi.
Những buổi chiều vàng lặng lẽ , lạnh lẽo của mùa đông, những buổi chiều mà bụi mưa như có một thứ tiếng van lơn thầm thì trong gió vu vu , lửa lò than rực rỡ vờn lên chân tường những ánh hồng lấp lánh hay rủ rê tâm trí người ta vào những cõi buồn nhớ, là những buổi chiều làm tê tái mẹ tôi hơn hết. Tuy mẹ tôi có tôi ngồi trong lòng cười nô với mấy con búp bê, tuy trước mặt mẹ tôi có cả một bữa cơm thức ăn toả mùi thơm ngon lành trong hơi cơm tám xoan bùi ngọt, tuy mẹ tôi vẫn tươi cười và luôn thưa gửi dịu dàng với thầy tôi và bà tôi.
Lúc bấy giờ, trong đầu óc mẹ tôi quằn quại những hình ảnh gì , những ý nghĩ gì, thầy tôi đoán biết sao được. Vẻ mặt xinh tươi kia, giọng cười nói nhẹ nhàng kia, sự thuỳ mị kính cẩn kia , sao có thể là của người đàn bà mà tâm tư hằng giá buốt vì những phiền muộn, những đau đớn chua cay nhất, tối tăm nhất? Hay vì thầy tôi cũng như mẹ tôi cả 2 đều thản nhiên và lặng lẽ che giấu cả một lòng đau đớn? Có lẽ đúng! Vì thầy tôi, nếu là một người vô ý thức hay là một kẻ xốc nổi, chỉ biết có sắc đẹp và sự chiều chuộng của mẹ tôi, thì đã chẳng yên lặng nhìn tôi , miệng hơi nhếch về một bên , khi tôi níu lấy vai , lay lay hỏi:
- Cậu ơi! Em Quế có phải con không phải là con cậu mà là con cai H. phải không?
Cùng lúc nghe câu tôi hỏi ấy, mắt mẹ bỗng sáng lên, gò má hơi ửng hồng . Mẹ tôi nhìn nhanh thầy tôi rồi quay mặt nhìn đi chỗ khác, hoặc cúi xuống thẫn thờ nhìn tôi. Trời! Thốt lên câu hỏi dại dột trên kia , nếu tôi là con một người cha độc ác hay ghen , phát uất ức, và một người mẹ bỗng hổ thẹn, sợ hãi vì có kẻ mớm lời cho con mình để phá hoại sự thanh khiết của đời mình, đời phải chung thuỷ của một người làm vợ, thì ảnh tình giữa cha tôi và mẹ tôi lúc bấy giờ sẽ ra sao?
Nhưng không ! Thầy mẹ tôi chỉ lặng lẽ nhìn nhau và tôi vẫn được nưng niu vỗ về trên hai đầu gối mẹ tôi ấm áp.
…
“Không phải! Cái Quế nó là con thằng cai H.
Tôi mở to mắt, lay mạnh vai bà tôi:
- Bà nói dối để không cho con nốt chỗ bánh kia. Nó cũng là con cậu.
Cặp mày lơ phơ trên đôi mắt nâu càng chau lại, nhưng giọng nói bà tôi lại trở nên nhẹ nhàng, ngọt ngào:
-Không! Bà bảo thật mày đấy, nó không phải là con cậu mà là con thằng…
Bà tôi ngừng lại, đăm đăm nhìn vào mặt tôi:
-Mày có biết thằng cai H. không?
Tôi lắc đầu . Bà tôi nghiêm nét mặt :
-Cái thằng buổi chiều nào cũng dẫn lính sang đề lao và thổi kèn ấy mà.
Tôi reo lên :
-Thế thì con biết rồi.
…
Mẹ tôi đã đứng trong tươi sáng và ấm áp ở ngoài trời hay trong gió lạnh, mưa bay ở dưới hiên, và, bao nhiêu buổi chiều êm ả đã qua , óc non nớt của tôi ghi làm sao được không lầm, không sót những con số nhất định? Nhưng trong hồn tôi thì mãi mãi rõ ràng thắm nét hình ảnh những con mắt của mẹ tôi sáng lên nhìn người thổi kèn và hai gò má mẹ tôi ửng hồng khi gặp cặp mắt long lanh của người đàn ông nọ chiếu tới. Và cho tới ngày trọn đời, tôi không thể nào quên được cái cảm giác là lạ do một bàn tay nhỏ nhắn run run bỗng từ đầu tuột xuống vai tôi, và một màng lành lạnh mong manh vương qua một cặp mắt lờ đờ nhìn vào mắt tôi chợt làm ngự tôi lạnh rợi đi… Rồi đến một giọng van lơn khi tôi níu lấy áo mẹ tôi kéo vào nhà lúc không còn bóng dáng và tiếng kèn tốp lính nữa.
-Đừng quấn mãi lấy chân mợ mà! … Thôi!… Con đi trước đi, mợ xin theo con…”
Không rõ đây là mối quan hệ “không được chấp nhận” như lời người bà kể hay chỉ đơn giản trước đây họ từng là người yêu của nhau và không đến được với nhau. Tuy nhiên, do sống trong xã hội xưa, người phụ nữ vẫn phải nghe theo sự sắp xếp gia đình ” Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” không được tự do lựa chọn người mình yêu thương mà phải lấy người mình không quen biết, do mai mối mà thành. Và chúng ta hãy khoan trách, khoan nghi ngờ người mẹ, mà hãy theo dõi những phần tiếp theo để thấy bà cũng không sung sướng và hạnh phúc gì với cuộc hôn nhân không tình yêu này và cơ sự tại sao lại có chuyện như vậy?
TRONG LÒNG MẸ
” Tôi đã bỏ cái khăn tang bằng vải màn ở trên đầu đi rồi. Không phải đoạn tang thầy tôi mà vì tôi mới mua được cái mũ trắng và quấn băng đen.
gần đến ngày giỗ đầu thầy tôi, mẹ tôi ở Thanh Hoá vẫn chưa về. Trong đó nghe đâu mẹ tôi đi bán bóng đèn và những phiên chợ chính còn bán cả vàng hương nữa. Tôi nói “nghe đâu” vì tôi thấy người ta bắn tin rằng mẹ và em tôi xoay ra sống bằng cách đó.
Một hôm, cô tôi gọi tôi đến bên , cười hỏi:
- Hồng ! Mày có muốn vào Thanh Hoá chơi với mợ mày không?
Tưởng đến vẻ mặt rầu rầu và sự hiền từ của mẹ tôi, và nghĩ đến cảnh thiếu thốn một tình yêu thương ấp ủ từng phen làm tôi rớt nước mắt. Nhưng, nhận ra những ý nghĩ cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của cô tôi kia, tôi cúi đầu không đáp. Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý reo giắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là goá chồng , nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực…
-Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về.
Cô tôi hỏi luôn, giọng vẫn ngọt:
- Sao lại không vào? Mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu?
…
-Mày dại quá, cứ vào đi, tao chạy cho tiền tàu . Vào mà bắt mợ mày may vá và sắm sửa cho và thăm em bé chứ.
Nước mắt tôi đã ròng ròng rớt xuống 2 bên mép rồi chan hoà đầm đìa ở cằm và ở cổ. Hai tiếng “em bé” mà cô tôi ngân dài ra thật ngọt, thật rõ, quả nhiên đã xoắn chặt lấy tâm can tôi như ý cô tôi muốn. Nhưng không phải thấy mẹ tôi chưa đoạn tang thầy tôi mà đã chửa đẻ với người khác mà tôi có những cảm giác đau đơn ấy . Chỉ vì tôi thương mẹ tôi và căm tức sao mẹ tôi lại vì sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tôi, để sinh nở một cách giấu giếm trốn tránh như một kẻ giết người lúng túng với con giao vấy máu của nó….
….
” Mẹ tôi vừa kéo tay tôi , xoa đầu tôi hỏi , thì tôi oà lên khóc rồi cứ thế nức nở. Mẹ tôi cũng sụt sùi theo:
-Con nín đi! Mợ đã về với các con rồi mà.
Mẹ tôi lấy vạt áo nâu thấm nước mắt cho tôi rồi xốc nách tôi lên xe. Đến bây giờ tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi xác xơ như quá như cô tôi nhắc lại lời người họ nội của tôi nói. Gương mặt của mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong, và nước da mịn làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu nay mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt . Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường.
Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ , áp mặt vào bầu sữa nóng của người miệng, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho , mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng….”
Có lẽ trong tác phẩm này, đây là chương duy nhất cậu bé Hồng có được hạnh phúc bên mẹ, được mẹ yêu thương, vỗ về…. Mặc cho sự cay nghiệt của người cô, cậu bé vẫn có một tình yêu vô bờ bến với mẹ và không bị những lời tổn thương kia làm ảnh hưởng đến tình cảm cậu dành cho mẹ. Dù mẹ có đi xa cả năm không thấy thư về nhưng cậu vẫn ngóng trông và dành một tình yêu bất diệt dành cho người mẹ của mình, người mà cậu yêu nhất trần đời và có một ảnh hưởng nhất định đến với văn chương mà cậu viết sau này.
TRONG ĐÊM ĐÔNG
“Mặt sau cái bìa lịch đã kín chữ rồi! Mỗi lần đau tủi, căm hờn tôi đều biên vào mặt bìa vài dòng thật nhỏ, viết bằng một thứ chữ riêng chỉ mình tôi đọc hiểu thôi, tóm tắt ngày tháng và những sự việc , những nỗi niềm , những ý nghĩ của tôi:
Ngày 12/11/1931: Cô C chắt nước ở liễn cháo gà đã vữa vào cái bát con. Cô ấy gọi cho mình ăn. Ai thèm ăn? Dù có đói lả! Cô ấy quý đầy tớ hơn mình mà.
Ngày 14/11/1931- Phải nhớ cái tát và câu rủa sả này cho đến chết: ” Hồng ơi! Bố mày có chết đi, nhưng còn có mẹ mày nó dạy mày. Cầm bằng mẹ mày đánh đĩ theo giai, bỏ mày lêu lổng thì đã có chúng tao.”
Mẹ ơi! Con khổ quá mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế? Mãi không về ! Người ta đánh con vì dám cướp đồ chơi của con mà con người ta giằng lấy . Người ta lại còn chửi con, chửi cả mẹ nữa. Mẹ xa con, mẹ có biết không?
Ngày 20/11/1931 – giá ai cho tôi một xu nhỉ? Chỉ một xu thôi! Để tôi mua xôi hay bánh khúc . giờ rét thế này, đi học một mình, vừa đi vừa cắn ngon xiết bao? Không! Không có ai cho tôi cả. Vì người ta có phải mẹ tôi đâu!
Ngày 26/11/1931 – Nó khóc mà mình phải chửi có ức không ? Ai trêu ghẹo cô ấy mà cô ấy nỡ lòng réo tên cái mẹ mình lên mà chửi :” – Cái giống nhà tao không có ai thâm hiểm đâu. Chỉ có mày thôi. Mày là cái giống con cái L. mẹ mày. Quyển truyện đáng giá bạc trăm hay sao mà mày dằn ngửa con tao ra mà cướp lấy?”
Ngày 29/11/1931 – Thế mà cũng đọc kinh! Cũng xưng tội! Cũng hằng ngày chịu lễ. Chúa nào dạy có thức gì là dấm dúi chao cháu ngoại.? Nó ăn đến bỏ thừa bỏ mứa cũng cố ép cho nó ăn. Thôi cũng chỉ tại đồng tiền. giá mẹ tôi hàng tháng gửi tiền về thì tôi cũng chả đến nỗi đâu!
Ngày 1/12/1931 – Cạu ơi! Sống khôn chết thiêng có biết cho con không? Mà con cầu xin cậu lẽ nào cậu lại không nhận lời con? Cậu phù hộ cho con được lấy một hào thôi! Con đói lắm cậu ạ! Trời lại mưa rét quá.
Ngày 4/12/1931 – Con cháu nọ nó là gì mà không sai? Một trinh vừa muối vừa tương cũng đến mình vác bát đi mua. Đi học về đói mờ cả mắt, sắp cất bát cơm và mà phải đặt xuống nghĩ mà rơi nước mắt.
Mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế? Mãi chẳng thấy mẹ về ?
Có một lần bà tôi lạy van hết chỗ này đến chỗ khác mới cầm cái áo the độc nhất còn lại để mặc đi lễ được một đồng bạc thì giả ngay tiền quà cho đứa con gái con cô tôi hết 6 hào, và, còn mua thêm cho 2 gắp chả và bún nữa. Lúc ấy cơm nước đã sẵn sàng. Nhưng tôi vừa mới cất lời hỏi xin chưa dám nói là xin thì bị hất tay ngay đi. Tôi vừa khóc vừa ghi vào bìa lịch….”
Bao nhiêu đắng cay, tủi nhục, phân biệt đối xử…. tưởng chừng như người lớn còn khó chấp nhận , thậm chí còn chưa trải qua cớ sao lại rơi ngay vào đầu một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn? Nó có lỗi gì với người lớn và có phải là người gây ra mọi chuyện, xứng đáng bị đối xử như thế đâu. Trong khi những đứa trẻ khác được cưng chiều thì nó bị ghét bỏ, là cái gai trong mắt gia đình, ghét mẹ ghét lây sang cả con. Nhất là sự đối xử đó lại đến từ những người trong gia đình, trời lạnh nhưng lòng người còn tàn độc , lạnh lẽo hơn thời tiết gấp cả ngàn lần. Đọc xong chỉ muốn ứa nước mắt thương thay cho thân phận cậu bé Hồng. ” Mồ côi cha thì ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường” , mất người thân đã thiệt thòi lắm rồi còn bị đối xử tàn tệ, một tuổi thơ quá nhiều đau khổ, cô đơn.
Cả một tác phẩm phủ màu buồn, rất buồn nhưng đâu đó vẫn ánh lên niềm tin, nghị lực của cậu bé Hồng để vượt qua hoàn cảnh, trở thành một nhà văn nổi tiếng như ngày hôm nay. Hãy đọc để thấy mình còn may mắn khi có gia đình yêu thương, còn đủ cha đủ mẹ, được quan tâm chăm sóc và trân trọng hơn và thêm yêu cuộc sống này.
Đặt sách tại : https://shorten.asia/SjWBA5Wr
Đặt sách tại TIKI: https://shorten.asia/Aymv94Ys
Liên hệ đặt bài/ xem portfolio qua gmail: ngathanh2703@gmail.com
Hoặc facebook Nga Nguyễn: https://www.facebook.com/nganga59
Hoặc Fanpage: https://www.facebook.com/reviewsachvamarketingonline
Bài viết liên quan
Review sách “Tìm em nơi anh”: Bởi vì ở đó luôn là anh
Review sách “Thương” : Thương hoài ngàn năm
Review sách “Bạn đắt giá bao nhiêu?” : Mỗi cô gái hãy trở thành phiên-bản-chính-mình-yêu-thích-nhất
Review sách “Ngồi khóc trên cây”: Số phận đôi khi sẽ thử thách chúng ta theo những cách rất đặc biệt
Review sách “Hạnh phúc là”: 500 gợi ý để sống trọn từng giây
Review sách “Cuộc sống rất giống cuộc đời”: Cười từ nhà ra phố với những mẩu chuyện vui hết cỡ
Review sách “Đừng nhạt nữa!” : Cuốn sách hài hước, đánh bay cơn “nhạt” từ Fanpage mặn mòi Ngoa
Blog review sách hay – Review sách và Cung cấp các kiến thức về Marketing