Cùng theo chân Đào Thu Hương đến vùng đất Canada xa xôi để theo nghề nấu ăn nhiều hấp dẫn nhưng cũng lắm chông gai, thử thách xứ người qua cuốn sách ” Dù thế nào cũng phải đi”.
Học Tiếng Anh – mở cánh cửa ra thế giới
” Trong khoảng hơn 1 tháng, tôi vội vàng góp nhặt lại các mẹo thi IELTS mà những giáo viên tốt ngày xưa từng truyền đạt kinh nghiệm , phần lớn là từ ông thầy Jim năm xưa tôi học ở trung tâm ngoại ngữ.
Jim là 1 trong những người mà tôi muốn được cho vào “nhà” của tôi. Trong trí tưởng tượng của tôi, đó là nơi những người tốt luôn hiện diện và có cơ hội cùng nhau làm điều có ích, thay vì tốn thời gian tranh đấu và trăn trở giữa những mưu sinh xã hội. Jim là người gốc Canada, đã đứng tuổi nhưng dáng vẻ còn nhanh nhẹn , quanh năm mặc đúng một bộ đồ đen, rồi đen từ râu tóc đến đôi giày theo kiểu mấy người nghe nhạc metal, dường như tôi chưa bao giờ thấy ông thay bộ đồ đó. Tính cách ông bộc trực nhưng chín chắn, đôi khi giảng hăng quá khiến “mưa xuân” bay mát mặt bọn học sinh. Cho dù dáng vẻ không kiểu “nhà sư phạm mẫu mực” , cũng không hiểu được văn hoá thầy trò của người châu Á, nhưng ông ấy có tâm của một nhà giáo thực thụ.
Vào học được vài buổi, ông đã luôn dặn chúng tôi không cần đóng tiền học lên khoá nữa, thay vì thế ông cho một đống nguồn về tự học. Ông ra rả câu nói rằng, chỉ có ở Việt Nam , hạng Tây ba lô như ông mới có cơ hội kiếm tiền từ trung tâm tiếng Anh vì học sinh ở đây quen kiểu học bị thúc vào đít, chứ ở những nước châu Âu ông từng sống, học sinh có tinh thần tự học cao hơn.
Từ các kinh nghiệm trong hội đồng chấm thi, Jim truyền lại những công thức thi IELTS và lên lớp chỉ để luyện đi luyện lại xung quanh chuyện đó. Thay vì kiểu học như các khoá cũ, tức là để cho học viên nói chuyện nhiều với người bản địa khi nói sai từ nào họ mới sửa, thì Jim không sửa lắt nhắt từng chút một, mà ông chỉ cho chúng tôi vấn đề căn bản trong việc việc thiếu quan tâm tới trọng âm của từ và chỗ cần nhấn của câu khi người Việt nói tiếng Anh. Chỉ sửa cách đọc nguyên âm và trọng âm thì coi như đã đi được một nửa chặng đường tập đọc, ngay cả khi có một từ mới không biết được cách phát âm chính xác , ta cũng có thể đoán được tương đối. Trong thi viết, ông cũng chỉ ra các đoạn văn cần chú trọng để ăn điểm được, những từ khoá học thuật cần có trong bài viết, chỉ cần theo đúng công thức ấy lắp vào là đã tiến được một đoạn xa rồi….”
Một chút cách học khác từ thầy giáo nước ngoài có thể cho thấy cái tâm của họ trong quá trình dạy, những sai lầm trong cách tiếp cận bài thi IELTS thường thấy của người học sẽ khiến họ tránh được những bẫy trong đề thi cũng như tips hiệu quả để làm bài thi đạt hiệu quả cao hơn.
Canada – cái chạm tay đầu tiên
Cuộc sống ở nước ngoài nhìn chung rất tẻ nhạt chứ không như trong suy nghĩ của nhiều người. Cộng đồng người Việt đối với tôi nghĩa là quanh đi quẩn lại trong những người đã quen.
Tôi từng cho rằng mình ra nước ngoài để tìm kiếm sự tự do, và suy nghĩ giản đơn nhất tôi từng theo đuổi đó là không phiền hà ai. Thế nhưng mẹ lại nhất định bắt tôi chung sống nhờ ở gia đình người bạn quen của mẹ, trong khi tôi đặc biệt cảm thấy điều ấy là không nên Một gia đình đang yên ấm chắc chắn sẽ bị khuấy động khi có người ngoài tới, cho dù đó có là những người tế nhị thế nào. Mẹ dụ khéo để tôi trước tiên an vị, rằng cứ ở tạm một thời gian rồi sau này tự tôi quyết định. Tôi đành chép miệng “sang rồi tính”, nhưng tôi tự dặn mình phải hết sức độc lập và không được làm gì ảnh hưởng đến gia đình cô chú bạn mẹ.
Tôi đặt vé bay đi rất vội vàng. Mặc dù còn một khoảng thời gian khá dài nữa mới tới kì học, nhưng tôi
muốn bay sớm vì một người bạn từ bên Mĩ sẽ sang chơi và tôi cũng tranh thủ thông qua anh để biết đâu
biết đâu có dịp sang gặp thầy. Tôi chỉ chào tạm biệt những người nhất và lẳng lặng ra đi, chẳng muốn làm gì ầm ĩ bởi tôi loay hoay chẳng biết phải làm gì với họ.
Lúc ra đi, trong lòng tôi cảm thấy mình rất lạnh nhạt, chẳng tiếc nhớ người ở lại mà cũng chẳng thực sự phấn khích gì về phương trời mới, chẳng qua có chân thì cần phải bước thế thôi. Trong tôi ngổn ngang rất nhiều vấn đề của chính mình và của người xung quanh mà tôi không tài nào giải quyết nối. Nhiều khi tôi tưởng tượng như mình có một cái lọ, thế rồi bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu đau khổ tôi được nghe và chứng kiến từ những người khác sẽ được nhét vào cái lọ đó, và thi thoảng lôi ra xem lại. Những nỗi niềm khi đã thấm nhập thì chẳng bao giờ mất đi, dường như nó cũng trở thành một phần của tôi. – Nhiều khi tôi nghĩ, mình yêu thương những nỗi đau xa lạ hơn cả chính mình. Hay là, những nỗi đau ấy vốn thuộc về tôi?! Có lẽ, cảm giác của tôi khi rời khỏi mảnh đất quê hương mình, gia đình mình và những người thân quen của tôi cũng là cảm giác khi trốn chạy những nỗi đau. Vội vã ra đi, nhưng chẳng mang theo nhiều hi vọng.
Gia đình tôi thì khác hẳn. Mọi người đều rất xúc động và có phần bị bất ngờ trước quyết định bay quá đường đột của tôi. Bố tôi cuối cùng đã có thể gần gũi và nhẹ nhàng với tôi hơn chút ít sau bao nhiêu cãi vã. Khi tôi bước qua cánh cửa soát vé, mẹ tôi vẫn cố tìm ra một cái lỗ hổng nhỏ trên bức tường để nhìn tới khi bóng tôi khuất hẳn, rồi mấy người lại chia nhau cái lỗ ấy để được trông thấy tôi thêm chút ít.
….
Bước vào nhà cô chủ nhà, tôi không ngờ lại đẹp đến thế. Các căn nhà ở đây đều là kiểu nhà tách rời nhau, và cả khu dân cư nhà cửa rất vuông vức đều đặn. Nhà nào cũng có sân vườn trước sau và ga-ra để xe rất rộng rãi, tổng diện tích có lẽ tới trên dưới 300 mét vuông. Bên trong thì càng bất ngờ hơn nữa, thiết kế tiện dụng, ngăn nắp và nội thất ấm cúng.
Sắp xếp đồ đạc một lát, Yến dẫn tôi đi mua đồ dùng cá nhân và làm quen đường đi lối lại quanh nhà luôn thể. Trên đường đi, tôi nhảy ngang rẽ dọc vào các ngôi nhà, ngó nghiêng lạ lẫm mấy bông hoa chưa từng trông thấy bao giờ. Tôi tự nhủ, mấy người ở đây sao nhiều thời gian sống thế, còn cả đống thì giờ rảnh rỗi để chăm sóc vườn tược, trang trí nhà cửa. Cây cối hoa lá ở đây cũng thật phong phú, mỗi nhà trồng rất nhiều các loại hoa khác nhau.
Tôi hít một hơi không khí mát lạnh vào phổi. Đã là tháng Mười, vẫn là cái khí chất của gió thu mát mẻ trong lành, nhưng ở đây càng trong lành hơn nữa, như khi ta vừa rời thành phố mà leo lên một sườn núi, mới nhận ra không khí thoáng đãng hơn biết mấy. Loại thời tiết mát dịu này ở Canada, tôi có dịp thưởng thức nhiều hơn so với hồi ở Hà Nội, vì nó xuất hiện gần như quanh năm. Nhưng vẫn có một chút nào đó hơi khác. Không khí lạnh ở Hà Nội mang theo nhiều hơi ẩm hơn, nên đôi khi tôi có cảm giác ngửi thấy cả mùi hơi nước cái mùi gần giống như lúc ta đưa sát mũi vào ngửi một mảnh kim loại có đem theo khí lạnh. Gió thu Hà Nội se lạnh, nhưng cũng mang theo hơi ẩm và cả ánh nắng ấm áp, có lẽ vì thế người ta mới gọi là “nồng nàn Hà Nội”.
Sang đây tôi cứ như một đứa trẻ lên ba học lại moi thứ từ đầu, ngay cả việc “tập” nói năng, “tập” đi lại. Cái gì cũng bỡ ngỡ, không biết cách hành xử của mình có đúng lí với người bên này không, hay là có gì kì quái khác người quá.
Yến bảo tôi “đi bộ ra siêu thị ở gần nhà” nên tôi cứ tường chỉ đi năm mười phút là tới, vậy mà đi mãi qua mấy ngã từ nhỏ vẫn không thấy đâu. Thì ra “gần nhà” Ở đây cũng mất tới 20-30 phút. Ở nhà, chẳng mấy khi tôi đi bộ nhiều như thế nên thấy cải lắm, có khi đi băng qua đường thôi cũng leo lên xe máy chạy vòng lại cho đỡ mất công đứng chờ, còn ở đây quãng đường nào cũng xa xôi…”
Lần đầu sang nước ngoài, tiếp xúc với một nền văn hoá mới, chúng ta ai cũng như học sinh tiểu học phải học lại từ đầu, tất cả. Ai cũng sẽ có cảm giác bỡ ngỡ, hoang mang nhưng một thời gian chúng ta cũng sẽ quen . Ba mẹ thì cũng lo lắng vì con gái nên nhờ cậy ở nhờ nhà người quen cho an toàn, có người trò chuyện những ngày chân ướt chân ráo đến một đất nước mới, không có ai bên cạnh cha mẹ cũng lo lắm chứ. Và cùng theo chân cô bạn này đi học tiếp nhé.
Vòng quay học hành – Điệu valse của đời sống
“Năm đầu tiên của trường College nặng và nhiều bài vở. Mặc dù lí thuyết đơn giản và ít tính học thuật hơn University , bù lại chúng tôi luôn phải làm nhiều bài tập về nhà và một nửa số giờ lên lớp là thực hành trong các phòng lab. Tôi học trong 2 phòng lab chính , một về làm bánh và một về thực hành nấu ăn cơ bản.
Thầy Lee làm chủ nhiệm hơn 1 nửa số lớp học nên chúng tôi quen mặt thầy và cũng phải rất nghiêm túc trong giờ học, hầu như chẳng đứa nào dám đi muộn chứ đừng nói vắng mặt.
Sáng sáng, chúng tôi phải vào học sớm hơn tất cả, các ngành trong trường, có khi từ 5-6 giờ sáng, thông thường là từ 7h. Như thế nghĩa là tôi phải ra khỏi nhà từ hơn 1 tiếng rưỡi trước đó để bắt xe buýt đi học. Trong tàu điện ngầm, nếu thấy đứa nào tay cầm cái vali chữ nhật cồng kềnh gắn mác GBC như chuẩn bị đi làm một phi vụ hình sự nào đó thì biết chắc cùng ngành tôi rồi.
…
Trong nấu ăn, ngoài kĩ thuật nấu thì việc tranh thủ thời giờ là rất quan trọng, giả dụ như ta cần bỏ lò một miếng thịt trong 3 tiếng, hoàn thiện món súp trong 1 tiếng, nấu cơm trong 20 phút và chuẩn bị mọi phụ liệu lặt vặt khác chiếm 10-15p , trong khi có 3-4 món cũng có chung nhiên liệu là hành,cà rốt . Trong kế hoach tôi sẽ phải tính xem nên làm bước nào trước. bước nào cần gộp chung lại và bước nào làm cuối cùng để đảm bảo khi đưa đồ ăn ra vẫn còn đủ nóng , tất nhiên khi nhảy sang bước tiếp theo không được quên mình còn thứ gì đang làm lúc trước và sẽ cần quay lại để hoàn tất….
…
Không phải lúc nào chúng ta cũng may mắn gặp được những thầy giáo “nghiêm khắc nhưng tốt bụng”. Tiêu biểu cho trường phái đối ngược của thầy Lee là thầy dạy Pastry (làm bánh ngọt) của chúng tôi. Ông thầy này cực kì hà khắc, cũng cực kì vô duyên và vô trách nhiệm. Ông béo ú và để quả đầu giống hệt giáo sư Asaga trong truyện Conan . Lên lớp, thay vì uống nước, ông chỉ uống sữa nguyên kem, mà lẽ ra chúng nằm trong tiền nguyên liệu hàng trăm đô la mỗi kì chúng tôi phải đóng. Ông cũng chẳng bao giờ truyền lại các bí quyết , các mẹo nghề mà chỉ toàn là lý thuyết bê nguyên từ sách vở , làm ví dụ lấy lệ rồi lại hì hục húp sữa và làm cái bánh riêng của mình.
…
Ông thầy Jean Pierre của lớp Rượu là một người đáng ngưỡng mộ. Ông đã vào tuổi ngũ tuần nhưng dáng điệu rất hoạt bát, mặt lúc nào cũng đỏ như cồn nhưng thực ra rất tỉnh táo. Vốn quê gốc ở một thị trấn của Pháp, thấy Jean có một lượng kiến thức phong phú về rượu và lịch sử ẩm thực nói chung , cùng một chất nghệ sĩ rất có căn bản. Thầy Jean cũng dạy chúng tôi trong những lớp hướng dẫn mở nhà hàng , mà thường về sau tôi luôn” quay bài” . Ông chẳng cấm ai dùng điện thoại hay bàn luận trong lúc kiểm tra, cũng biết thừa đứa nào đang quay bài nhưng vô tư lờ đi…
… Thầy Jean từng tâm sự rằng bản thân chỉ ngủ 4-5 tiếng mỗi ngày, sáng sớm dậy mở cửa hàng do mình tự mở, chạy về đưa đón con đi học, sau đó quay lại làm hoặc trên giảng đường, chiều đón con về và tiếp tục đến chỗ làm đóng cửa nhà hàng. Cuộc sống của một người đã sắp đến tuổi nghỉ hưu còn năng động như vậy, khiến tôi cũng cảm thấy mình có thêm động lực cố gắng….”
Mỗi thầy giáo lại là mỗi người có phong cách dạy dỗ khác nhau và không phải trường học nào cũng hào nhoáng như được giới thiệu. Quan trọng là biết học cái hay, cái mới lạ và sáng tạo của mỗi thầy để làm động lực, làm niềm hi vọng chiến đấu cho quãng đường làm đầu bếp lắm gian nan, chông gai sau này.
Một mộng ước , một tương lai
” Trong lòng tôi cho đến nay cứ luôn có 1 thôi thúc, ấy là mong muốn mở một quán ăn dù to hay nhỏ, có một khu vườn dù lớn hay bé, miễn thoáng đãng , không ồn ào và không hẻo lánh đến nỗi phải thua lỗ, nằm cách xa thành phố một chút cũng tốt. Ở đấy tôi có thể tạo việc làm cho những người cần chỗ ăn chỗ ở và cần được sống một đời sống ý nghĩa. Tôi không muốn biến nó thành một nhà tế bần hoặc một trại bố thí, cho người ta ăn dựa vào trợ cấp tình thương xã hội. Tôi tin vào việc có làm có ăn, dù làm được ít hay nhiều, nghe thì vô tình, nhưng đó mới là điều tốt. Cũng giống như con người vậy thôi, ăn mãi không nhả ra được, hay không ăn mà cứ nhả ra hoài thì đếu sắp chết dở đến nơi. Chỉ có ăn vào và nhả ra được đều đặn thì mới là khoẻ mạnh và tạo ra được sự sống.
Ở nơi đó. có người sẽ trồng cây tưới ruộng , người bổ củi làm mộc, người buôn bán, người làm bếp, người trông nhà… Mọi việc! Chúng tôi sẽ nấu những món ăn đơn thuần nhưng ngon miệng, thanh nhã. Mỗi người đều đóng một vai trò nào đó và chẳng ai quan trọng hơn ai hoặc cấp thấp hơn ai. Chúng tôi sẽ cùng nhau học đạo, làm người tốt, sống có ý nghĩa với mình và người khác – dù nghe có vẻ sách vở quá. Từ khi đi làm, tôi bắt đầu biết quý trọng những người lao động vô cùng, Khi ta không biết gì mà hỏi một người thợ mộc về việc dựng nhà, hay hỏi một người làm ruộng về việc mùa màng, ta thấy họ thông thái và uyên bác làm sao. Tôi biết được giá trị của những giọt mồ hôi, những hình ảnh lao động không đẹp và lung linh như những con người trên mặt báo ngoài kia, nhưng họ cũng có thể tạo ra những sản phẩm đẹp đẽ…”
Hơn tất cả, sự bình yên trong tâm hồn và sự hăng say lao động sau những giờ mệt nhọc và thành quả ta gặt hái được sau những cố gắng nỗ lực phấn đấu luôn là những điều đẹp đẽ nhất. Cộng với lý tưởng cao đẹp, làm điều thiện lành đi kèm luôn là những giá trị chân – thiện -mĩ mà nhiều người muốn hướng đến và xây dựng trong cuộc sống này.
Hãy theo chân cô bạn này trong hành trình chinh phục giấc mơ đầu bếp, những khó khăn, chông gai mà cô bạn này phải vượt qua tiếp theo trong cuốn sách này nhé.
LINK ĐẶT SÁCH
Đặt tại TIKI: https://srtn.asia/pdcgyjAT
Đặt sách tại: https://srtn.asia/YPHp3bp3
Liên hệ đặt bài/ xem portfolio qua gmail: ngathanh2703@gmail.com
Hoặc facebook Nga Nguyễn: https://www.facebook.com/nganga59
Hoặc Fanpage: https://www.facebook.com/reviewsachvamarketingonline
Bài viết liên quan
Review sách “Uả? GenZ” : Cuốn sách chống “tối cổ” cực hài hước về gen Z
Review sách ” Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ” : Sài Gòn ơi sao mà thương đến thế!
Review sách ” Những ngày ấu thơ” ” Là tuổi thơ mà sao cơ cực, nghiệt ngã đến thế
Review sách “Tìm em nơi anh”: Bởi vì ở đó luôn là anh
Review sách “Thương” : Thương hoài ngàn năm
Review sách “Bạn đắt giá bao nhiêu?” : Mỗi cô gái hãy trở thành phiên-bản-chính-mình-yêu-thích-nhất
Review sách “Ngồi khóc trên cây”: Số phận đôi khi sẽ thử thách chúng ta theo những cách rất đặc biệt
Review sách “Hạnh phúc là”: 500 gợi ý để sống trọn từng giây
Review sách “Đừng nhạt nữa!” : Cuốn sách hài hước, đánh bay cơn “nhạt” từ Fanpage mặn mòi Ngoa
Blog review sách hay – Review sách và Cung cấp các kiến thức về Marketing